(DĐDN) – Tên chính thức của hai DN này là Tcty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), và Cty Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC).

Hai DN này có nhiều điểm chung: cùng thuộc Tập đoàn Dầu khí VN (PVN); cùng sử dụng logo của PVN có hình ngọn lửa đỏ trên nền xanh dương, biểu tượng cho ngọn đuốc trên giàn khoan và màu nước biển nơi dầu khí được khai thác; cùng sản xuất phân đạm urê từ nguyên liệu đầu vào là khí tự nhiên, công suất xấp xỉ nhau (800.000 tấn/năm). Tên viết tắt của hai Cty này cũng na ná nhau, rất dễ lẫn lộn vì đều khó nhớ cả.

Lợi thế của “người anh”

Đạm Phú Mỹ (DPM) được coi như đàn anh vì đã có tuổi đời 10 năm, trong khi Đạm Cà Mau (DCM) mới hoạt động từ 2012. DPM ra đời vào lúc VN phải nhập gần như toàn bộ phân bón, nên vấn đề tiêu thụ sản phẩm hầu như không gặp khó khăn. Tuy thế, không phải DPM lơ là chuyện quảng bá thương hiệu. Hình ảnh nhận diện thương hiệu của DPM với hai màu cơ bản xanh lá và vàng có thể thấy ở khắp nơi: tại các cửa hàng bán lẻ, kho đại lý, pano quảng cáo tấm lớn dọc các đường quốc lộ… DPM còn tài trợ cho chuyên trang nông nghiệp trên nhiều tờ báo, và đặc biệt là chương trình “Thời tiết nông vụ” trên kênh truyền hình VTV 1 – kênh có lượng người xem đông nhất. Clip quảng cáo với hình ảnh những người nông dân, già có trẻ có, nam có nữ có, quẹt mồ hôi và cười rạng rỡ, kèm với câu slogan “Đạm Phú Mỹ – cho mùa bội thu” đã ăn sâu vào tâm trí người xem, kể cả những người không liên quan đến nghề nông.

Nhờ các thuận lợi khách quan đi kèm với những hoạt động marketing, quảng cáo, PR tích cực, có thể nói DPM đã xây dựng và củng cố khá thành công thương hiệu của mình.

Cái khó của “người em”

DCM “sinh sau đẻ muộn”, lại đúng lúc một nhà máy phân đạm mới khác cũng vừa đi vào hoạt động – nhà máy Đạm Ninh Bình thuộc Tập đoàn Hóa chất VN. Tổng công suất của 4 nhà máy phân đạm: Phú Mỹ, Cà Mau, Ninh Bình và Hà Bắc lên tới 2,3 triệu tấn, trong khi tổng nhu cầu chỉ vào khoảng 2 triệu tấn. Vì thế việc xây dựng thương hiệu là việc tối cần kíp đối với hai lính mới DCM và Đạm Ninh Bình.

Nếu slogan của DPM là “Cho mùa bội thu” thì của DCM là “Hạt ngọc mùa vàng”.

Slogan của DPM tương đối dễ đoán. Mơ ước của nông dân ngàn đời nay luôn là các vụ mùa bội thu (nhưng thời gian gần đây trúng mùa chưa chắc đã vui, vì thường kèm theo rớt giá – một quy luật khắc nghiệt của kinh tế hàng hóa). Thành thử, khi suy nghĩ về slogan cho sản phẩm phân bón, hay hạt giống, hay thuốc bảo vệ thực vật…, hầu như người ta nghĩ ngay đến vụ mùa bội thu. Bội thu ở đây dĩ nhiên là vụ mùa của nông dân, người đặt slogan “Cho mùa bội thu” hẳn muốn thể hiện tính nhân văn của mình khi nêu lên mục tiêu phục vụ của sản phẩm là người nông dân. Đồng thời slogan đó cũng ngầm quảng cáo cho chất lượng sản phẩm và hiệu quả từ việc sử dụng nó mang lại.

Khắt khe mà nói thì slogan của DPM không thực sự độc đáo, nhưng nói chung là đạt yêu cầu về nội dung truyền tải, âm điệu câu chữ.

Bị người khác xí mất hình ảnh vụ mùa bội thu, DCM phải chọn con đường khác, nhưng vẫn còn tiếc rẻ. Một loạt phương án được đưa ra, tất cả đều bắt đầu bằng “Đạm Cà Mau”, và phần tiếp theo là:

– Vụ mùa tốt tươi

– Ba mùa bội thu

– Năng lượng cho cây trồng

– Xanh tươi sung túc

– Tam nông tứ túc

– Cùng nhà nông làm giàu

– Lúa xanh mùa vàng

– Hạt ngọc (cho) mùa vàng

– Hiệu quả, mau giàu

– Tràn đầy sức sống

– Sức sống Cà Mau

– Mekong thịnh vượng

– Niềm tin Việt

– Cho cây sức sống, cho dân mạnh giàu

– Hạt to, ăn no trúng lớn

– Mang lại màu xanh sung túc

– Chất lượng hàng đầu, thịnh vượng bền lâu

-…

Cuối cùng phương án được lựa chọn là “Hạt ngọc mùa vàng”.

 

Lựa chọn được Slogan cho thương hiệu của mỗi DN là vấn đề được xem là quan trọng bậc nhất đối với DN, nhất là những DN ra đời muộn.

Lựa chọn này có lẽ không có gì quá bất ngờ hay khó hiểu. Hạt phân đạm hình tròn, màu trắng, nếu muốn chọn một hình ảnh đẹp để so sánh thì ngọc trai châu báu là phù hợp nhất – vừa đẹp vừa sang trọng, quý báu.

 

Mùa vàng cũng là hình ảnh rất được ưa chuộng khi nói về mùa lúa chín, nó vừa mang nghĩa đen chỉ màu vàng rực của ruộng lúa chín, vừa mang nghĩa bóng chỉ sự giàu có, trù phú. Hạt ngọc – mùa vàng là một cặp đối nhau khá hoàn chỉnh, âm điệu dễ nghe. Chúng cũng giúp việc thực hiện các maquette, clip quảng cáo trở nên phần nào đơn giản hơn (và dễ đoán hơn), khi các hạt phân được thể hiện lung linh lóng lánh như những hạt ngọc, còn cánh đồng lúa vàng rực thì khỏi phải nói.

Chờ ai hơn ai

So với slogan của DPM thì slogan của DCM có vẻ ít sáo mòn hơn, tuy vẫn rơi vào những hình ảnh đã quá quen thuộc. Cả hai slogan đều thuộc loại an toàn “cho nó lành”. Chẳng sao hết, vì những slogan này hướng tới đối tượng là nông dân – những con người chất phác, giản dị, vốn khó tiếp thu và tiêu hóa những gì có vẻ phức tạp rắc rối, dù độc đáo ấn tượng đến mấy!

Nghĩ ra slogan là việc cần thiết, nhưng dĩ nhiên mới chỉ là một bước nhỏ xíu trên con đường xây dựng và củng cố thương hiệu. Chúng ta hãy tiếp tục theo dõi cuộc đua tranh giữa hai thương hiệu anh em một nhà này.

Chuthichanh: Slogan của hai DN này đều hướng tới một mục tiêu, đối tượng, nội dung na ná nhau. Và đến thời điểm hiện nay, từ sự lựa chọn đó, thành công của mỗi DN như thế nào thì chúng ta phải tiếp tục chờ.